Self-assessment debugging: làm thế nào để code của bạn lên lương?
Một năm làm việc miệt mài, nhưng liệu bạn đã biết cách biến nỗ lực của mình thành kết quả xứng đáng trong kỳ performance review?
Chào bạn, tuần vừa rồi của bạn thế nào?
Mong bạn vẫn sống tốt giữa mớ công việc dồn dập trong tiết trời se lạnh ở Việt Nam và vui vẻ khỏe mạnh bên cạnh những người thân yêu. 💙
Email hôm nay sẽ dành cho chúng ta – những người đang “bán mình cho tư bản” mỗi ngày để cống hiến mong có một cái tết ấm no sắp tới. 😅
Cuối năm luôn là thời điểm bận rộn nhất: chạy KPI, chốt doanh số, làm performance review, đề xuất thăng chức, họp hành chiến lược cho năm mới...
Nếu bạn chưa tự đánh giá lại thành tích và mục tiêu của mình trong năm qua, thì mình có hai tin cho bạn:
Tin ít vui: bạn đã hơi muộn để làm việc này.
Tin vui hơn: trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm giúp bạn tránh những sai lầm thường gặp và có một mùa performance review suôn sẻ hơn.
Cùng mình khám phá nhé! 🚀
1. Sự chuẩn bị
“By failing to prepare, you are preparing to fail” - Benjamin Franklin
Bằng cách không chuẩn bị, bạn đang chuẩn bị cho sự thất bại.
Mặc dù performance review thường diễn ra vào một vài thời điểm cố định (cuối năm hoặc 6 tháng một lần), kết quả của nó lại đánh giá cả một hành trình dài. Nếu không chuẩn bị kỹ, bạn có thể phải chờ đến kỳ review tiếp theo để có cơ hội thể hiện.
Một bản tự đánh giá đầy đủ cần:
Quan sát bản thân: đánh giá mình qua từng dự án, task.
Thu thập phản hồi: từ sếp và đồng nghiệp trong suốt năm.
Hệ thống hóa thành tựu: không phải “gỡ rối trí nhớ” trong vài tuần cuối năm.
Để đạt kết quả tốt, bạn cần chuẩn bị các công cụ và chiến lược phù hợp từ sớm. Đây là những điều mình đã rút ra:
1.1 Nhật ký công việc (log work / brag doc) 📓
Đừng để trí nhớ của bạn quyết định mức tăng lương!
Đừng để trí nhớ của bạn quyết định mức tăng lương!
Đừng để trí nhớ của bạn quyết định mức tăng lương!
(Điều quan trọng nên phải nhắc lại 3 lần!)
👉 Mỗi tuần, hãy dành thời gian ghi lại những gì mình đã làm:
Công việc đã hoàn thành: task cụ thể, vấn đề giải quyết.
Tác động: ảnh hưởng đến team/dự án.
Số liệu minh chứng: tăng hiệu suất, giảm thời gian xử lý, v.v
Ví dụ:
Tuần 50 (9-15/12/2024)
Vulnerabilities: resolve 150 issues on FE, 15 items left.
Migration PostgreSQL từ VM sang Azure PostgreSQL-done phase 1.
SSL renewal cho staging và production site - done.
💡 Bạn có thể chọn ghi vào Notion, Obsidian, Google Docs hoặc Teams/Slack, đặc biệt là ứng dụng nhắc việc vào mỗi thứ sáu hoặc cuối tuần để tự đánh giá. Sau mỗi quý, hãy dành thời gian tổng hợp lại, chọn lọc thành tựu nổi bật để chuẩn bị cho kỳ review.
Liệu bạn có muốn dành 15’ mỗi tuần để “cứu vớt” hàng giờ đau đầu viết self-assessment cuối năm không?
1.2 Hiểu cơ chế đánh giá của công ty 🎮
💡Để chơi game giỏi, bạn phải hiểu luật chơi.
Core values: công ty đề cao phẩm chất, giá trị gì? (Ví dụ: customer-first, teamwork, technical excellence...)
Chiến lược: công ty đang tập trung phát triển theo hướng nào? (AI, machine learning, cloud computing….)
Cách đánh giá: tập trung vào kết quả kinh doanh (business outcomes), kết quả vận hành (operation outcomes) hay cả quá trình làm việc (effort & teamwork)?
👉 Hành động:
Nếu công ty lớn, bạn có thể hỏi đồng nghiệp, manager, hoặc đọc tài liệu nội bộ để hiểu thêm.
Nếu công ty nhỏ, hãy trao đổi trực tiếp với sếp để rõ ràng hơn về kỳ vọng và ưu tiên.
Đây là quyền lợi và trách nhiệm và nghĩa vụ của bạn. Việc không hiểu rõ luật chơi và thiếu sự chuẩn bị cần thiết thì bạn cũng đừng ấm ức vì nhận kết quả bất như ý nhé! Cuộc sống mà! 🤡
1.3 Kết nối thường xuyên với sếp 🤝
💡Khả năng cao sếp trực tiếp của bạn sẽ là người đánh giá bạn. Đừng để họ phải “đoán” những gì bạn làm – hãy giúp họ hiểu rõ càng sớm càng tốt.
👉 Hành động:
Đặt lịch 1-1 định kỳ (ít nhất mỗi quý một lần) để cập nhật tiến độ công việc và nhận feedback trực tiếp.
Hỏi đúng trọng tâm để biết sếp ưu tiên điều gì? Có điều gì bạn cần cải thiện hoặc tập trung hơn không?
Điều này không chỉ giúp bạn điều chỉnh kịp thời mà còn khiến sếp dễ dàng đánh giá cao nỗ lực của bạn hơn.
2. Self-assessment 101 ✍️
Là người từng ở cả hai vị trí – người được review (reviewee) và người review (reviewer) – mình nhận ra rằng cách bạn trình bày self-assessment có ảnh hưởng lớn đến kết quả cuối cùng.
Đó không chỉ là “kể lể” công việc mà là cơ hội để định hình cách sếp và tổ chức nhìn nhận nỗ lực của bạn.
Sau đây là một số lỗi cần tránh khi viết self-assessment:
2.1 Mọi thứ đều xuất phát từ business value 💼
💡 Công việc bạn làm có thực sự tạo ra giá trị cho công ty, dự án?
Khi liệt kê thành tựu, hãy liên kết chúng với tác động thực tế lên dự án hoặc tổ chức.
Ví dụ không hiệu quả:
"Tối ưu một query, giảm thời gian xử lý xuống 40%."
Ví dụ hiệu quả:
"Tối ưu query thanh toán, giảm thời gian xử lý từ 5s xuống còn 2s, giúp tăng tỷ lệ giao dịch thành công 10% và giảm phàn nàn từ khách hàng."
🎯Bài học rút ra: dù bạn có giỏi technical đến đâu, nếu không thể kết nối việc mình làm với giá trị mà nó tạo ra cho tổ chức, thì bạn sẽ khó được đánh giá cao.
2.2 Ngắn gọn, súc tích, có trọng tâm
💡 Đừng biến self-assessment thành bài “tập làm văn.”
Khi còn là junior, mình từng viết cả một “bài luận” dài cả trang A4, liệt kê các công việc đã làm – nhiều việc trong đó không mang lại giá trị thực sự.
Về sau, càng có kinh nghiệm và khi đã ở vị trí reviewer mình mới học được rằng: reviewer không có thời gian để đọc một bài luận văn dài mà phân tích luận điểm, dẫn chứng để hiểu được nỗ lực của bạn. Hãy trình bày rõ ràng, súc tích, và theo cấu trúc dễ theo dõi.
Việc để trình bày được như vậy cần khả năng tư duy và viết tốt, nhưng quan trọng hơn là bạn phải có sẵn tư liệu (brag doc) rồi mới sắp xếp và chọn lọc bỏ vào phần tự đánh giá, chứ ngồi vò đầu bức tóc để viết thì bản đánh giá không chắc đầy đủ còn tóc thì rụng nhiều hơn.
👉 Template đề xuất:
🎯 Goal: mục tiêu công việc/dự án.
🛠️ Action: các hành động cụ thể.
📊 Result: kết quả đạt được.
🌟 Impact: tác động lên dự án, team, hoặc công ty.
Ví dụ đầy đủ:
Goal: đảm bảo hệ thống thanh toán ổn định trong giờ cao điểm.
Action: refactor module thanh toán và tối ưu query cơ sở dữ liệu.
Result: giảm thời gian xử lý từ 5 giây xuống còn 2 giây.
Impact: tăng tỷ lệ giao dịch thành công thêm 15% và giảm 30% phàn nàn từ khách hàng. (kèm screenshot trước và sau)
2.3 Feedback thường xuyên là mấu chốt 🔄
Việc đánh giá performance một người trong một thời gian ngắn dẫu có collect feedback nhiều thế nào cũng không tránh khỏi sự chủ quan và thiếu sót. Chưa kể một vài trường hợp bạn sẽ cảm thấy thất vọng vì kết quả cuối cùng là không được tăng lương dù cho bạn đã bỏ nhiều công sức.
Performance review chỉ là sự kiện cuối cùng của một chu kỳ dài. Một trong những chiến lược hiệu quả mà mình áp dụng là chủ động xin feedback thường xuyên từ sếp hoặc đồng nghiệp cấp cao.
👉 Hành động
Chủ động xin feedback định kỳ: gặp sếp hoặc các team member (những người hiểu rõ công việc của bạn) ít nhất 3-4 lần/năm để xin phản hồi về cách làm việc, ưu điểm, hạn chế, tiến độ và hướng đi của mình. Việc này giúp bạn điều chỉnh kịp thời và tránh bất ngờ khi đến kỳ review.
Lưu lại feedback: mỗi khi nhận được phản hồi, hãy ghi lại (cùng với hành động cải thiện đã thực hiện). Điều này không chỉ giúp bạn trưởng thành hơn mà còn là bằng chứng thuyết phục khi cần.
Đừng bỏ qua đồng nghiệp: trong một số trường hợp, feedback 360 độ từ đồng nghiệp cũng được cân nhắc. Hãy duy trì mối quan hệ tốt và đảm bảo rằng mọi người nhận thấy những đóng góp của bạn.
TL;DR
Performance review là một hành trình, không phải một sự kiện.
👉 Checklist giúp bạn có self-assessment hiệu quả:
🗓️ Duy trì nhật ký công việc: ghi lại những gì bạn đã làm và tác động của nó.
🤝 Kết nối với sếp: cập nhật tiến độ và nhận phản hồi kịp thời.
✍️ Viết self-assessment hiệu quả: liên kết thành tựu cá nhân với giá trị kinh doanh.
🔄 Xin feedback thường xuyên: đừng đợi đến cuối năm mới hành động.
Hãy nhớ rằng performance review không chỉ để "nhận thưởng" mà còn là cơ hội để bạn hiểu rõ hơn về chính mình, cải thiện điểm yếu, và định hướng sự nghiệp tốt hơn.
Trên hết tất cả, hãy cứ làm việc hết mình, tạo ra giá trị, nâng tầm ảnh hưởng và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, đó mới là thứ tạo nên thương hiệu cá nhân bền vững và lâu dài cho sự nghiệp của bạn.
Chúc bạn có một mùa review thật thành công và nhận được những phần thưởng xứng đáng! 🌟
✌️ Bài hôm nay chỉ có thế
Nếu có bất cứ cách làm nào mà hiệu quả với bạn, mình thật sự tò mò muốn được bạn chia sẻ. Feel free to share trong phần comment bên dưới nhé (và nếu bạn đã làm được đến mức này thì mình rất trân trọng)🙏🏻. Đó chính là nguồn cảm hứng cho những bài viết tiếp theo của mình!
See ya 🤖!
Bryant!
Bài viết có ví dụ dễ hiểu quá. Em tò mò nếu mục đích là đáng giá công việc mình có đang on the right track in career goals/growth, thì self-assessment nên trông như nào nhỉ? Anh có gợi ý outline for self-reflection mà ko phải performance review ko ạ?